Chợ chim trời ven đô

Địa chỉ: 159 Lý Chiêu Hoàng-Phường 10-Quận 6-Tphcm-( Đối Diện Nhà Hàng Đại Hỷ PALACE )
Hotline:

09222.09888

Giỏ hàng
(0) sản phẩm
Ngày đăng: 22/11/2023 - 08:19 AM

HÀ NỘI Thấy có khách hỏi mua chim trời bà Lan bấm điện thoại gọi, vài phút sau ba con vạc được mang đến.

Người phụ nữ 60 tuổi ở huyện Quốc Oai nói chỉ một ngày trước những loài chim như vạc, giang, cò hương được bày bán công khai trên đường gom Đại lộ Thăng Long. Hôm nay người bán phải tạm cất do chính quyền dẹp vỉa hè và cấm buôn bán chim hoang dã.

"Hễ khách hỏi lập tức có người mang đến", bà Lan nói. Riêng một số loại không có sẵn như giẽ giun, cò trắng hay cuốc phải chờ, giá dao động từ 50.000- 300.000 đồng một con, bởi sắp hết mùa.

Cách điểm bán của bà Lan vài chục mét, chị Nhung, 35 tuổi, đang làm lông mấy con vạc cho khách quen, giá 130.000 đồng một con. Khi được khách hỏi về những loài khác, người phụ nữ này kéo ra một góc kín mời chào con giang bị buộc chân, khâu mắt, giá 700.000 đồng.

Nhà bà Lan, chị Nhung là hai trong gần 20 hộ gia đình bán gia cầm, chim trời dọc đoạn đường dài hơn một km trên Đại lộ Thăng Long, thuộc địa bàn huyện Quốc Oai. Các sạp này bán từ sáng đến chiều tối, riêng khách quen sẽ nhận đặt hàng, sau gửi xe vào trong thành phố.

Một con giang bẫy từ tự nhiên, giá 700.000 đồng được chị Nhung mời chào cho khách tại điểm bán trên đường gom Đại lộ Thăng Long, trưa 21/11. Ảnh: Hải Hiền

Một con giang bẫy từ tự nhiên, giá 700.000 đồng được mang ra chào bán trên đường gom Đại lộ Thăng Long, trưa 21/11. Ảnh: Hiền Trịnh

Bà Lan vốn là nông dân, bắt đầu công việc này hơn chục năm trước. Thời gian đầu mới bán, chỉ có một, hai hộ tự phát, sau thấy có lãi, nhiều người học theo. Thậm chí, ba anh em trong gia đình bà cũng đều theo nghề. Họ mở ba quầy bán, dựng ven đường, chỗ giết mổ lùi vào trong chừng vài mét.

Theo các hộ kinh doanh, số động vật này nhập từ nhiều nguồn, chủ yếu từ vùng ngoại thành Hà Nội đến Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định. Ngoài gia cầm nuôi có sẵn, một số loại chim phải đánh bắt từ tự nhiên. Thời điểm nhập về nhiều nhất từ tháng 8 đến tháng 10 và tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, bởi đây là mùa chim di cư.

"Gia cầm không lãi nhiều bởi có giá bán chung. Riêng các loại hoang dã, tùy thuộc độ to nhỏ, quý hiếm, đầu mùa hay cuối mùa mà giá bán khác nhau", bà Lan nói. Người bán cũng cho biết thêm, chợ buôn bán nhộn nhịp nhất vào cuối tuần và trước các dịp lễ Tết. Nhiều thời điểm cung không đủ cầu.

Hai ngày trước, khi có đợt ra quân của UBND xã phối hợp với kiểm lâm để ngăn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép, nhiều quầy hàng bị xử phạt hành chính, thu giữ động vật cấm buôn bán như vạc, giang, cò hương, cò trắng. Chợ chim trời dài hơn một km đột nhiên vắng lặng.

Một số xe chở gia cầm, chim trời trên đường gom Đại lộ Thăng Long cất gọn một góc vào trưa 21/11, sau các cuộc ra quân dẹp vỉa hè, cấm buôn bán chim hoang dã của các xã trên địa bàn huyện Quốc Oai. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Một số xe chở gia cầm, chim trời trên đường gom Đại lộ Thăng Long cất gọn một góc vào trưa 21/11, sau các cuộc ra quân dẹp vỉa hè, cấm buôn bán chim hoang dã của các xã trên địa bàn huyện Quốc Oai. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Ông Nguyễn Quang Khải, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cho biết chính quyền liên tục xử lý các cửa hàng bán chim trời, động vật hoang dã nhưng đến nay vẫn chưa thể dứt điểm bởi dẹp chỗ này dân chạy sang chỗ khác; nhiều hộ kinh doanh trộn lẫn gia cầm thông thường với chim trời; và không phải tất cả tiểu thương đều là dân địa phương nên khó quản lý.

Nhắc về lý do khiến thị trường chim trời trở nên sôi động, ông Khải cho biết do đang vào thời điểm giao mùa, chim di cư lớn nên nguồn cung dồi dào. "Nhưng không phải vì thế người dân có quyền săn bắt, buôn bán nhằm trục lợi cá nhân. Mọi hành vi trên đều vi phạm pháp luật", Chủ tịch xã nhấn mạnh.

Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Chi hội nghiên cứu và bảo tồn chim hoang dã Việt Nam, cho biết thị trường buôn bán chim trời tại Đại lộ Thăng Long sôi động 5-6 năm nay nhưng chưa thể dẹp bỏ. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các huyện ngoại thành Hà Nội, nơi còn nhiều diện tích đất ruộng nhưng địa phận Quốc Oai là điểm tập trung, buôn bán đông nhất.

Trước thực trạng trên, chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ cho biết huyện đang phối hợp với tất cả các xã và đơn vị kiểm lâm quyết tâm kiểm tra, thu giữ, xử lý, xử phạt người buôn bán động vật trái phép trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng việc ra quân theo giai đoạn không thể giải quyết tận gốc. Vị chuyên gia nêu năm lý do khiến nhiều chiến dịch chống nạn săn bắt chim trời không đạt hiệu quả cao. Thứ nhất, lực lượng kiểm lâm, cảnh sát môi trường tương đối mỏng. Hai là hình thức triển khai chuyên đề, thực hiện nhỏ lẻ, không thường xuyên. Ba là cơ quan chức năng địa phương chưa sát sao. Bốn là mạng xã hội phát triển thúc đẩy việc giao thương trở nên dễ dàng hơn. Cuối cùng là sự phát triển của các nhà hàng chim trời, khiến nhu cầu mua bán mạnh mẽ.

"Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức bảo vệ chim trời của người dân. Để những gì thuộc về tự nhiên không bị tận diệt", Chủ tịch Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn Chim hoang dã Việt Nam nói.

Ngoài bán trên vỉa hè, nhiều loại chim trời được bán tại các hội nhóm trên địa bàn huyện Quốc Oai. Ảnh chụp màn hình

Ngoài bán trên vỉa hè, nhiều loại chim trời được bán tại các hội nhóm trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Hiểu việc buôn bán chim trời là trái pháp luật, nhưng đây từng là nghề mưu sinh nuôi sống gia đình năm người nên bà Lan nói khó bỏ. Người phụ nữ này cho hay trước đây từng có các đợt ra quân, bà cùng nhiều hộ gia đình khác cũng bị xử phạt hành chính, thậm chí thu giữ nhiều động vật có giá trị cao.

"Họ đuổi thì tôi dừng bán. Nhưng khi nào tình hình lắng dịu lại tiếp tục bán bởi vẫn có khách", bà Lan nói.

0
Zalo
Hotline