Hôm nay, là người đầu tiên trả lời HĐXX trong phiên xử sơ thẩm vụ sai phạm đấu thầu ở Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, bị cáo Sơn khai cuối năm 2013 bà Nhàn chỉ đạo Sơn sửa báo cáo tài chính các năm 2010 đến 2013 để hồ sơ năng lực công ty đảm bảo tham gia gói thầu tại Dự án Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, dù trước đó AIC đã có báo cáo tài chính gửi Cục Thuế Hà Nội.
Sơn cho biết "lãnh đạo đã yêu cầu thì phải làm, nếu không sẽ mất việc". Với suy nghĩ "người làm công ăn lương không phải chịu trách nhiệm gì", Sơn đã làm theo chỉ đạo của chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Sơn khai năm 2022 "khi đã nghỉ việc ở AIC thì bỗng nhiên bà Nhàn liên lạc", nói công ty giờ không làm đấu thầu nữa mà chuyển qua xây dựng thành phố thông minh. Bà Nhàn muốn Sơn đi nước ngoài học mô hình để về triển khai. Sau hai tuần suy nghĩ, Sơn đồng ý.
Bà Nhàn bố trí cho Sơn đi Dubai vào tháng 4/2022. Theo lời khai trước tòa, vừa xuống sân bay, Sơn được đón về một căn phòng và bị thu điện thoại. "Ở đó, bị cáo mới biết không đi học gì để làm thành phố thông minh", Sơn trình bày tại tòa về lý do "không thể về nước".
Cựu kết toán trưởng Sơn thuộc nhóm 8 người bị Bộ Công an truy nã ngày 8/7/2022, được xem là "một trong những mắt xích quan trọng". Ngày 11/11/2022, Bộ Công an đề nghị bà Nhàn cùng Sơn và 6 cựu cán bộ AIC ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng và thực hiện quyền tự bào chữa.
Tháng 1/2023 trong vụ án thông thầu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Sơn đã bị xét xử vắng mặt cùng bà Nhàn và 6 người; bị phạt 6 năm tù. Tháng 22/6/2023, Sơn bị bắt theo lệnh truy nã.
Tại phiên tòa hôm nay, Sơn tỏ ra ăn năn hối hận và khuyên những người đang bỏ trốn "trở về đầu thú" để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Trong vụ án gian lận đấu thầu tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh này, Sơn bị cáo buộc ký 4 báo cáo tài chính đã chỉnh sửa để trình bà Nhàn xác nhận. Việc này nhằm giúp AIC có đủ năng lực tài chính tham gia dự thầu ở Quảng Ninh, gây thiệt hại cho Nhà nước 20 tỷ đồng.
Trưởng bộ phận thư ký tài chính AIC khai "chỉ được giao làm việc vặt"
Tại phiên xét hỏi chiều nay, bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương khai không phải là Trưởng bộ phận thư ký tài chính như cáo trạng nêu mà chỉ là "thư ký trong ban thư ký của AIC", được phân công theo dõi thời gian làm việc của các nhân viên và một số việc vặt khác như đóng tiền nhà, tiền điện nước.
Bị cáo Phương xác nhận làm kế toán trưởng Công ty Phúc Hưng, nơi anh trai bà Nhàn làm Tổng giám đốc, từ năm 2007 với mức lương 5 triệu đồng/tháng. "Tại công ty này, tôi làm nghiệp vụ kế toán nên việc làm báo cáo tài chính cho công ty là chuyện bình thường. Tôi không biết báo cáo tài chính đó được mang đi để dự thầu", Phương nói trước tòa.
Nữ bị cáo một mực khẳng định không quen biết Trần Quốc Công, Tổng giám đốc công ty cổ phần Uy tín Toàn Cầu; không có trao đổi liên quan đến dự thầu với bị cáo Tạ Hải Anh, Tổng giám đốc Công ty công nghệ cao và không đưa có hồ sơ thầu cho bị cáo Nguyễn Anh Dũng, Tổng giám đốc, Công ty Phúc Hưng ký.
Trong khi đó, theo cáo trạng, Công được Phương được đề nghị đứng tên Tổng giám đốc công ty cổ phần Uy tín Toàn Cầu với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Tại tòa, Công cũng khai gia đình mình và gia đình Phương có quan hệ từ trước nên tin tưởng. Công khẳng định không biết về hoạt động của công ty mà chỉ ký văn bản, chứng từ do nhân viên của Phương mang sang. Trước phủ nhận không quen biết của bị cáo Phương, bị cáo Công bày tỏ "không biết nói gì thêm nhưng vẫn khẳng định lời khai như cáo trạng đã nêu".
Đối chất việc này, Phương nói các bị cáo khác sợ trách nhiệm và có người xúi giục nên mới đổ hết trách nhiệm cho mình. "Khoảng tháng 7/2022, khi một số người ở AIC đươc cơ quan điều tra gọi lên làm việc đã phát hiện ra Công khai về tôi nên báo lại. Lúc đó, tôi mới biết về Công", bị cáo Phương nói.
Theo Phương, ngày 19/3/2023, cô xuất cảnh đi Nhật Bản, Dubai và Malaysia để du lịch, chữa bệnh và thăm con trai. Trong thời gian ở nước ngoài, Phương biết mình bị cáo buộc phạm tội nên "về nước để minh oan". Phương khẳng định "không biết về đấu thầu và không có những chỉ đạo gì với các công ty con thuộc hệ sinh thái của AIC".
HĐXX nói, bị cáo Phương có quyền không nhận những điều bất lợi về mình nhưng toà sẽ dựa vào lời khai của các bị cáo khác và tài liệu điều tra để đưa ra phán quyết. Ngoài ra, HĐXX sẽ kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ kế toán của bị cáo Phương trong vai trò kế toán trưởng Công ty Phúc Hưng.
Nhà chức trách cáo buộc, trước khi bị khởi tố, Phương đã bỏ trốn, bị truy nã. Ngày 28/7/2023, bị cáo ra đầu thú.
Phiên toà dự kiến kéo dài 3 ngày, mai sẽ bước sang ngày làm việc thứ hai.
Theo cáo trạng, khi biết Sở Y tế Quảng Ninh mở thầu dự án mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh với tổng mức đầu tư gần 240 tỷ đồng trong năm 2013-2015, bà Nhàn tìm cách để AIC trúng các gói thầu.
"AIC đã cung cấp thông tin không trung thực về năng lực tài chính, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, gian lận trong đấu thầu", nội dung truy tố nêu.
Khi dự thầu, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới mua tất cả hồ sơ mời thầu. Để chắc trúng thầu, AIC tự nộp hồ sơ cho mình và các công ty "quân xanh, quân đỏ" để có đủ số lượng hồ sơ dự thầu theo quy định. Từ đó, AIC và Mopha trúng toàn bộ 6 gói thầu của dự án, trị giá 232 tỷ đồng.
Theo VKS, bà Nhàn đã bỏ trốn ra nước ngoài nhưng căn cứ lời khai của những người khác cùng kết luận giám định có đủ cơ sở xác định bà chỉ đạo thuộc cấp thông đồng tại 6 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước 50 tỷ đồng.
Đây là vụ án thứ 3 bà Nhàn bị xử lý hình sự nhưng hiện trốn truy nã. Cuối năm 2022, với vai trò là chủ mưu vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn bị TAND Hà Nội phạt 30 năm tù. Ở vụ án thứ hai đang điều tra, bà Nhàn cũng bị cáo buộc vi phạm đấu thầu tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM.